Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

THƠ HƯƠNG TÌNH


HƯƠNG TÌNH
LỜI GIẢI BÀY NĂM THÁNG

“Giờ này anh ở đâu” bài viết tham dự cuộc thi “Ký ức chiến tranh và cuộc sống thời bình”, do Báo cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh phát động của tác giả Trung Sơn. Ít lâu sau một người bạn Văn gửi tôi một tập bản thảo thơ “Hương Tình” kèm theo lời bạch, mới rõ bài viết ấy ghi theo lời kể của cô giáo Hồng Liễu, hiện đang dạy môn Toán tại Trường Phổ thông trung học Lương Văn Can, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Tôi là một thành viên trong Bam Giám khảo cuộc thi nên dù muốn dù không, tất cả các bài viết gửi về Tòa soạn tôi đều đọc kỹ. Bài viết nói về một cô bé “Nhỏ” mới 15 tuổi, nhưng tâm hồn, ý chí, nghị lực lại rất đáng phục. Năm 1973, một đơn vị bộ đội về đóng quân ở Trảng Bàng quê Nhỏ, rồi em đi theo các anh làm những việc các anh chỉ, nấu cơm, kiếm rau, đào củ, vác đạn, cáng thương, có khi đóng giả nữ sinh la cà trong vùng địch lấy tin tức ... Chính trong thời gian này Nhỏ quen thân anh Hai người miền Bắc. “Rồi không biết từ lúc nào Nhỏ cứ thấy nhơ nhớ anh Hai. Một ngày vắng anh Hai là lòng dạ Nhỏ bồn chồn, đứng ngồi không yên...” (tự bạch). Rồi đơn vị anh Hai chuyển đi, Nhỏ cứ một mực đòi theo anh Hai. Thương Nhỏ, anh Hai bảo Nhỏ đứng sát vào thân cây, rồi dùng lưỡi dao đặt sát trên đầu cứa một vạch vào thân cây làm dấu, nói: “Khi nào nhỏ cao hơn cái vạch này một gang tay, thì anh về đón Nhỏ” (tự bạch). Nhưng đấy là cuộc chia tay “định mệnh”, anh Hai ra đi mãi mãi không về ...
Tập thơ Hương Tình ôm chứa nhiều mệnh đề cảm xúc, nhưng ký ức về chiến tranh, về anh Hai là nổi bật hơn cả. Nói cách khác là sự giải bày năm tháng với những cung bậc tình yêu chan chứa một thời bom đạn.  
Anh bảo: “Em về để anh đi/Này bé! Nghe anh chớ có lì!/Chuyện nước chuyện non nào phải giỡn/Bé mới mười lăm biết lo chi?”.
Cô bé Nhỏ: Nghe anh thì ít, sợ anh nhiều/Ra về nũng nịu bé buồn thiu/Từ đó anh đi biền biệt mãi/Cô bé ngày xưa đợi sớm chiều ...(Giờ này anh ở đâu).
Lời thơ giầu nhạc điệu, man mát buồn, phản phất thơ Nguyễn Bính. Chất tự sự như một câu chuyện kể về người con gái đang độ tuổi lớn, thầm cảm mến một người con trai, hoặc có tình ý vẫn chưa rõ ràng. Đối với anh Hai, mối quan hệ đó cũng chỉ dừng ở mức như người anh với người em gái mà thôi. Trong chiến tranh có biết bao nhiêu đơn vị bộ đội đến rồi đi, nhiều lắm, nhưng hình ảnh anh Hai vẫn không phai mờ trong lòng Nhỏ. Chiến tranh thật tàn khốc, không ai nói chắc được điều gì. Đúng là như vậy! Cô chờ đợi anh trở về, chờ từ ngày ấy, đến suốt 38 năm sau giải phóng mà vẫn không gặp.... Ba tám năm qua em vẫn tìm/Qua lời mách bảo của con tim/Anh không về nữa mà đi mãi .../Anh hiểu chăng anh một nỗi niềm.
Không những chờ mà cô còn đi tìm, nghe tin đâu có mộ chiến sĩ hy sinh là đến. Cũng buôn, cũng sóc, cũng phum/Cũng đồi, cũng núi, em từng đi qua (Tìm anh 1). Tìm đến nỗi. Tìm anh rỉ máu con tim/Đất nâu, đất xám, em tìm lật tung ... (Tìm anh 2)
Hóa ra Hồng Liễu cô bé “Nhỏ” ngày nào đã yêu thầm, nhớ trộm anh Hai thật. Hồng Liễu kiên trì chờ anh suốt chín năm, đã sang tuổi 24, vừa tốt nghiệp Khoa toán Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ cô mới tính đến chuyện lấy chồng, nhưng trước khi thực hiện công việc ấy, cô giành một tháng trời dòng dã đi đến hàng chục nghĩa trang tại các tỉnh Nam bộ, hy vọng có thể tìm được mộ anh Hai. Đã tìm khắp mọi nghĩa trang/Đâu hàng tên tuổi, đâu hàng vô danh.
Tìm như vậy vẫn không thấy, nỗi buồn mênh mang, nhưng vẫn không bỏ cuộc: Hay anh nằm lại rừng xanh?/Em tìm, dù chút mong manh vẫn tìm!
Bài “Nghe lời anh dặn” làm rõ hơn điều ấy!
Trót nghe lời dặn của anh/“Ở nhà chăm bón rau xanh lúa vàng/Đợi qua ba vụ mùa màng/Anh về anh đón bé sang quê mình”.
Cô bé Nhỏ ân hận vì đã nghe anh? Từ “trót” âm sắc, nhưng vẫn buồn! thủ thuật đối âm nuối tiếc. “Đợi qua ba vụ mùa màng” tức thêm ba tuổi nữa, thì anh về đón. Thương em còn nhỏ, nên chú bộ đội nói vậy để “lừa” em ở lại. Đấy là những từ, những câu thơ hay, khiến người đọc xúc động thật sự. Rồi sực tỉnh, mới thương anh, nhớ anh: Em hình dung một miền quê/Có làng quan họ có đê sông Cầu/Sông Thương ơi chảy về đâu/Hãy cho ta phép nhiệm mầu thấy anh.         
Chiến tranh đã lùi xa, cô bé ngày xưa giờ đã lớn khôn, như cái cây anh Hai gạch dấu cũng đã vươn lên cao vút. Anh Hai vẫn không về:
Chờ anh từ thuở tóc xanh/Bây giờ tóc đã pha sương mất rồi/Nhớ thương, thương nhớ đầy vơi/Hoa cau rụng trắng khắp nơi sân nhà.
Hình ảnh hoa Cau gợi cho ta một niềm vui đôi lứa, nhưng ở trường hợp này nó trái ngược hẳn, nó buồn mà rụng, rụng trắng sân nhà, hy vọng đến tuyệt vọng. 
*
Hương Tình, ngoài những bài thơ tình thời chiến tranh, còn có nhiều bài rất đáng đọc, nó như là gạch nối giữa hai vùng cảm xúc. Cảm xúc thời dĩ vãng không còn hy vọng và cảm xúc nhìn vào thực tại. Hồng Liễu thực tế hơn và dứt khoát hơn! Một sự dứt khoát biết là đau, nhưng đành phải vậy! Chiêm bao rồi lại chiêm bao/Đã từng năm ấy chiêm bao đến hoài.
và cô nói tiếp:Thương cho cô gái xuân thì/Chờ ai ... Ai biết, Ai đi không về/ Cuộc đời xoay trở bốn bề/Rẽ qua lối khác lời thề còn đâu? (Lối rẽ).
Cách nhìn bây giờ cũng nhẹ nhàng hơn, được viết trong chùm thơ ba bài, mượn hình ảnh con vật để ngẫm về mình, về cuộc sống, thơ hay là thơ chứa được nhiều ý, nhiều nghĩa và tính ẩn dụ sâu sắc.
Có đàn gà con/Chiêm chiếp – chiêm chíp/Gọi mẹ mẹ ơi .... (Đàn gà con).
Hai con chim sáo/Rỉa lông cho nhau/Trên ngọn cây cao/Con nào cũng đẹp.... (Đôi chim sáo)..... Những lúc mẹ vắng nhà/Hỏng có ai rầy la .../Tất cả như lộn xộn/Bé thương mẹ quá hà! (Mẹ vắng nhà).
Hồng Liễu từng ước mơ trở thành cô giáo và ước mơ ấy đã thành hiện thực. Một người có tâm hồn Thi sĩ như vậy, không thể không mượn thơ để giải bày. Hãy nghe cảm xúc của cô trong một buổi lên lớp:
Gọi em lên bảng làm bài/Thoáng nhìn tôi đã biết ngay - thua rồi. Một em học trò không làm được bài, không phải em lười học, không thông minh mà là vì chuyện khác.
Cô ơi xin hãy thứ tha/Ngày mai – Ba mẹ ... ra tòa ly hôn ...
Thông cảm với em, thương em mà nước mắt muốn trào:
Run run không nói trọn lời/Từ mai cô sẽ là người chăm em!
Một lời hứa, và cô đã giúp em học trò vượt qua nỗi buồn, nỗi đau gia đình trở thành trò ngoan, trò giỏi (Em vẫn còn cô).  
Chọn nghề Nhà giáo biết rằng nghề này không mang lại nhiều tiền, nhưng là nghề cao quí, nghề trồng người. Tình yêu của nhiều thầy cô hiến trọn cả đời mình cho sự nghiệp Giáo dục, đến tuổi về hưu mà vẫn bâng khuâng lưu luyến, nhớ trường, nhớ học trò thân yêu của mình, Hồng Liễu chia sẻ với những người như vậy. Tôi thích bài thơ ngắn này vừa tha thiết, vừa sâu lắng.
Ngoài kia chim hót trên cao/Trong này bài giảng cô sao trầm buồn/Ngày mai cô sẽ xa trường/Hôm nay lạc giọng bởi thương học trò ...(Cô về hưu). Nó còn là dự báo cho cả chính mình, ngày nào đấy cô cũng phải về hưu, chỉ thương học trò là còn mãi.
Nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn có bài thơ “Hương thầm” rất nổi tiếng, bối cảnh bài thơ ở vào thời chiến tranh hai nhà hàng xóm ở cùng cuối phố, nhưng một nhà ngày mai chàng trai trẻ ra trận. Nhà bên có người con gái họ cùng học chung một lớp, thầm yêu nhau nhưng chưa dám nói. Cô gái hiểu, đây là cơ hội để làm cái gì đó để thể hiện tình yêu. Cô gái lấy hoa bưởi ở vườn nhà gói trong chiếc khăn tay đem sang tặng bạn. Cái hương hoa bưởi thơm ngát giúp người con gái thầm nói thay lời mình, một ẩn dụ tinh tế nói về tình yêu. Tập thơ Hương Tình của Hồng Liễu không chi tiết đến vậy, không gian, thời gian đều rộng, mỗi bài thơ là một kỷ niệm, một dấu ấn cả vui lẫn buồn. Đã qua rồi thời lửa đạn, dẫu thương, dẫu nhớ cũng xin gói lại.  
Ông trời xin hãy giúp con/Để cho tiếng sáo không còn du dương ... Hay: Xin đừng dấy động can qua/Xin đừng thổi những bài ca ... tình buồn! (Xin đừng).
Hồng Liễu là một cô giáo dạy Toán mà làm thơ, đấy là điều thú vị. Cô làm thơ đã lâu, nhưng lại tự ti không dám đăng đàn, một người như thế không khỏi có những khiếm khuyết khi xuất bản tập thơ đầu tiên cũng là điều dễ hiểu.

Tp. HCM, tháng 10/2012
                                              
                                                       Nhà văn: ĐỖ VIẾT NGHIỆM




1 nhận xét:

  1. bài phê bình rất bám sát nội dung tập thơ, làm người đọc như có thêm "hành trang" bước vào "thi tập" của tác giả Hồng Liễu

    Trả lờiXóa